Xác định du học bậc thạc sĩ khi đã bước vào năm cuối trường Đại học Y Hà Nội, nữ sinh Hà Thảo Linh không dám nghĩ giành học bổng toàn phần ngay lần đầu "apply".

Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần của các du học sinh nổi bật

Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần của các du học sinh nổi bật

Săn học bổng là một quá trình đầy thử thách và bản lĩnh của bất kỳ du học sinh nào. Cùng tham khảo một số bí quyết của người đi trước để bạn có thêm...

Thảo Linh sau buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hà Thảo Linh (24 tuổi, Hà Nội) tốt nghiệp ngành Y học dự phòng của Đại học Y Hà Nội vào tháng 6 với khóa luận đạt 10 điểm. Khóa luận của Linh viết về số ca mắc và tử vong do ung thư liên quan đến hành vi, lối sống ở Việt Nam. Đây cũng là đề tài bài báo do Linh là tác giả chính, đăng trên International Journal of Cancer, tạp chí Q1 - hạng uy tín và khó đăng nhất trong danh mục tạp chí quốc tế.

Vào tháng 4, khi chưa giành những thành tích trên, Linh đã trúng tuyển chương trình thạc sĩ ngành Dịch tễ học của Đại học Antwerp - ngôi trường của Bỉ được Times Higher Education xếp hạng 7 trong số những trường dưới 50 tuổi tốt nhất thế giới năm 2023.

Cơ hội du học Bỉ với học bổng toàn phần của Chính phủ năm 2014

Cơ hội du học Bỉ với học bổng toàn phần của Chính phủ năm 2014

Nhằm tạo điều kiện cho những cán bộ giỏi và nghiên cứu sinh xuất sắc của các nước có thể nâng cao học vấn tại Bỉ, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng...

Khoảng một tháng sau, Linh nhận thư báo giành học bổng VLIR-UOS từ Chính phủ Bỉ cho chương trình trên. Với học bổng này, Linh được hỗ trợ khoảng 33.600 EUR (875 triệu đồng), bao gồm toàn bộ học phí, chi phí ăn ở, bảo hiểm trong thời gian học.

"Mình rất bất ngờ, thậm chí không thể tin nổi vì phải đến năm cuối đại học mới quyết định du học và chỉ có khoảng 6 tháng để vừa tìm hiểu, vừa chuẩn bị hồ sơ", Linh nói.

Đến hiện tại, khi đã bắt đầu những buổi học đầu tiên ở Bỉ, Thảo Linh mới chắc chắn mình đã trải qua một "hành trình vội vã nhưng tuyệt vời".

Linh chia sẻ bước vào năm cuối, khi không còn phải đi lâm sàng, cô bắt đầu suy nghĩ về việc làm khi ra trường. Linh nhìn nhận ngành Y học dự phòng không có nhiều định hướng rõ ràng như Y khoa.

Sau thời gian đắn đo, Linh nghĩ cách ra nước ngoài để "xem sinh viên thế giới học thế nào". Quyết định du học vào tháng 9/2022, Linh dành ba tháng để tìm hiểu các loại học bổng bởi "không có học bổng thì không thể đi nổi".

Tuy vậy, Linh quyết định "tự thân vận động", thay vì tìm đến các trung tâm du học. Nữ sinh lục tung các trang mạng, lên danh sách ngành, trường, quốc gia mong muốn và các yêu cầu, mức học bổng của từng ngành. Sau đó, cô lên Facebook kết nối với anh, chị đi trước. Dù không quen biết, thấy ai giành được học bổng mà mình quan tâm, Linh lại nhắn tin nhờ hỗ trợ. Cô cũng cấp tốc thi chứng chỉ IELTS và đạt 7.0.

"Hầu hết học bổng chính phủ yêu cầu hai năm kinh nghiệm làm việc. Có học bổng lại nhận hồ sơ quá sớm. Cuối cùng, mình thấy học bổng của Bỉ hợp lý nhất khi chỉ khuyến khích kinh nghiệm chứ không bắt buộc", Linh nói. Cô quyết định ứng tuyển ngành Dịch tễ học tại Bỉ, đồng thời rải đơn đến hơn 10 trường khác ở châu Âu.

Một bộ hồ sơ gồm CV, bài luận động lực, thư giới thiệu, chứng chỉ tiếng Anh và các giấy tờ liên quan như bảng điểm, bằng tốt nghiệp. Linh mất khoảng 3 tháng để chuẩn bị, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023. Trong đó, phần lớn thời gian dành cho bài luận.

Là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh của Đại học Y Hà Nội, Linh quen biết một số thầy cô có học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Cô tận dụng mối quan hệ này để xin định hướng, giữa lúc hàng loạt suy nghĩ bủa vây, không biết nên đưa vào bài ra sao.

Sau cùng, Linh cũng có một bài luận hoàn chỉnh. Cô chia sẻ về bản thân, những thành tích đạt được, kết nối để cho thấy sự phù hợp với ngành Dịch tễ học. Linh cũng nhận định ngành này bổ sung kiến thức cho cô ra sao và đưa ra định hướng sau khi tốt nghiệp, trở về nước làm việc.

Nữ sinh trường Đại học Y Hà Nội  giành học bổng toàn phần thạc sĩ sau nửa năm chuẩn bị - Ảnh 2

Theo Linh, hoạt động nghiên cứu khoa học là yếu tố giúp cô ghi điểm với hội đồng tuyển sinh.

Linh từng tham gia hội nghị nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh cấp trường hai năm liên tiếp và đạt một giải nhất, một giải nhì. Lúc ứng tuyển học bổng, dù bài báo của cô chưa được xuất bản, việc đã nộp cho tạp chí uy tín cũng là một minh chứng tốt.

Nghiên cứu khoa học gồm nhiều công đoạn. Trong hai năm đầu đại học, Linh chủ yếu xin giảng viên tham gia những khâu đơn giản nhất như thu thập và hỗ trợ nhập số liệu. Từ chỗ ngại ngùng, vụng về trong những lần đầu tiên đi lấy số liệu, cân đo chiều cao, cân nặng để hỗ trợ đề tài nghiên cứu về béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi, Linh dần có thành thạo hơn.

Ngoài ra, thay vì liên tục tra từ mới khi đọc tài liệu nước ngoài như thời gian đầu, Linh dần đọc tốt hơn. Theo cô, đây là kỹ năng quan trọng với người làm nghiên cứu.

Khi thuần thục những công việc đó, Linh học phân tích số liệu, viết bài báo, đứng trước đám đông thuyết trình, đi sâu vào tìm hiểu phương pháp nghiên cứu và biết cách chịu áp lực.

"Áp lực của việc làm nghiên cứu rất lớn, nhiều lúc mình rất nản bởi phải sửa đi sửa lại một bài viết", Linh nói. Như đợt tháng 12 năm ngoái, vừa phải sửa bài gửi đăng tạp chí quốc tế, vừa phải viết bài luận và hoàn thiện hồ sơ du học, Linh stress nặng, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Cô đã phải dành nhiều buổi trekking, tập yoga để cân bằng.

Kết quả, ngoài bài báo trên tạp chí Q1 và học bổng từ Chính phủ Bỉ, Linh còn trúng tuyển một số trường ở Hà Lan và Anh với mức hỗ trợ 20-50% học phí.

Nữ sinh trường Đại học Y Hà Nội  giành học bổng toàn phần thạc sĩ sau nửa năm chuẩn bị - Ảnh 3

Hướng dẫn Linh nghiên cứu hơn hai năm qua, đồng thời hỗ trợ cô làm hồ sơ du học, thầy Phạm Thanh Tùng, giảng viên môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội, đánh giá Linh tự tin, nghiêm túc trong công việc.

"Linh luôn lắng nghe và có cách tiếp cận đúng nhất khi hai thầy trò cùng thảo luận", thầy Tùng nói. Giảng viên này cũng đánh giá cao tính chủ động của Linh, luôn "nhắc nhở" thầy phải sửa bài đúng hạn.

Giành học bổng thạc sĩ chỉ sau khoảng 6 tháng tìm hiểu và chuẩn bị, với Linh, như một giấc mơ. Cô gái Hà Nội hy vọng học được nhiều điều mới mẻ trong hai năm tới, làm hành trang cho công việc sau này.

TOP 8 kênh thông tin "săn" học bổng mà du học sinh nên biết

TOP 8 kênh thông tin "săn" học bổng mà du học sinh nên biết

Bạn quan tâm đến những học bổng du học nhưng lại không biết nên xem các thông tin học bổng ở đâu? Kênh Tuyển Sinh sẽ bật mí cho bạn 8 kênh thông tin học...

Theo VnExpress