Điểm qua một số cách “quay” truyền thống nhé!

- Viết tất cả công thức lên tay. Quá căng thẳng vì gian lận, đưa tay lên vuốt mồ hôi chảy ròng ròng = Mất phao.

- Thập thò lo sợ với những tờ đề cương giấu trong hộc bàn. Cặp mắt "diều hâu" của những người đứng lớp lâu năm sẽ phát hiện ra chiêu trò của bạn chỉ trong một nốt nhạc!

- Mọt sách của lớp chép đáp án vào giấy A4 rồi gấp thành máy bay chuyển “hàng cấm” đến tận địa chỉ cần gửi. Phóng nhầm lên bàn giáo viên, trong thư còn mở đầu bằng dòng “Xong vụ này nhớ bao chầu lớn”! = Được bao hẳn một trái trứng ngỗng.

Phát hiện những chiêu gian lận "thần thánh" trước mùa thi

Thời đại băng vượt “vũ môn” bằng “tàu ngầm”

Các chiêu gian lận trong giờ kiểm tra cũng “tiến hóa” theo thời gian. Học sinh không chỉ xài phao thông thường nữa, mà đã quái chiêu hơn nhiều!

Cấp độ nhập môn: Tách tách, click click, búng tay một cái là bài giải của “siêu nhân lớp” đã được gửi lên group lớp trong giờ kiểm tra. Hằng ngày nhắn tin vào group lớp không ai thèm đọc, giờ kiểm tra thì lại đoàn kết đồng loạt Seen! Cả lớp “trao đổi” bài bằng công nghệ nên không phát ra một tiếng động nào, “biệt đội tàu ngầm” trót lọt!

Cấp độ tập sự: Loại bút bi có thể tẩy xóa được trở thành công cụ đắc lực. Chép bài trước. Đến nơi chỉ cần đọc đề, chọn lọc và bôi phần thừa đi mà thôi!

Cấp độ thượng thừa: 
- Cứ 5 phút lại liếc nhìn đồng hồ một lần. Đây là loại đồng hồ điện tử có chức năng giống một chiếc điện thoại, lắc một cái là ra hình bài giải.
- Viết bài giải vào mặt trong của nhãn chai nước suối. Lúc làm bài chỉ cần nhìn xuyên qua chai nước trong veo là có đáp án.

Phát hiện những chiêu gian lận "thần thánh" trước mùa thi

Đầu xuôi nhưng đuôi... còn lâu mới lọt!!!

Vỏ quýt có dày đến đâu thì vẫn luôn có móng tay nhọn, sự tinh tường của thầy cô nhiều năm “điều trị” hội “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” luôn bắt bài cả những “công nghệ phao tối tân” nhất!

Bạn K. (Q.1, TP.HCM) ngậm ngùi kể lại: “Ngày kiểm tra Hóa, ngay sau khi phát đề, tớ đã nhanh nhảu chụp đề rồi “quăng” sang cho mấy anh chị đại học chơi thân. Tưởng vụ trao đổi đã thành công mỹ mãn, chỉ còn cần đợi dăm ba phút sau nhận kết quả thì tớ nghe một tiếng “tinh” rõ to báo tin nhắn. Diễn biến tiếp theo của câu chuyện nằm cùng ly trà trong phòng giám thị”.

Dù đã cẩn thận chuẩn bị, tưởng như không mắc phải một sai sót nào, thì bạn T (Trường THPT N.) vẫn không thoát khỏi “vòng lao lý”: “Tớ đang nhắn tin khí thế, chép với tốc độ ánh sáng thì một người “in bốc” mình. Tớ vội bấm vào kiểm tra tin nhắn thì ôi thôi rồi, đó chính là “thư định mệnh” từ cô giáo đang đứng trên bục giảng. Trong thư ghi: “Đừng bấm liên hồi nữa, chia nửa số điểm nhé!”. Tớ ngước mắt nhìn lên thì thấy cô giáo đang nhìn mình cười một nụ cười rất hiền…”.

Oái oăm hơn là trường hợp của bạn V. (trường THPT P.): “Tớ đã xé tờ giấy dán quanh chai nước, phao vào mặt sau rồi dán lên lại cẩn thận. Chỉ dưới góc nhìn của người ngồi trước chai nước, bạn mới thấy được phao thôi. Tưởng kế hoạch của tớ quá thông thái thì một tai nạn hi hữu bất khả kháng xảy ra: Cô xuống chỗ mình rồi bảo: “Nãy cô lên trường mà quên đề ở nhà! Cô phải hối hả chạy về lấy. Suốt ngày ngoài đường làm cô mệt quá, cho cô xin em miếng nước nha cô quên chai nước ở nhà rồi!”. Đó là lý do mà tớ ăn zero!”. V. ơi, bạn “nai” quá, không có chuyện “tai nạn” nào ở đây đâu ạ!

“36 kế chuồn là thượng sách” là phương châm của bạn S. (Q.2, TP.HCM): “Có một bí kíp được truyền tai trong giới học sinh: Chia nhóm nghỉ học vào ngày kiểm tra. Nhiều thầy cô bận rộn chấm bài không có thời gian soạn đề kiểm tra lại. Thế là những bạn nghỉ chỉ cần học thuộc những phần có trong đề, rồi vào chép nằm lòng thôi. Hôm đó, tớ hí hửng đinh ninh sẽ “thủ khoa” môn Công nghệ trong giờ kiểm tra lại sắp tới, thì thầy giáo cầm một cái bảng điện to đem vào. Thầy bảo: “Bạn nào bữa trước nghỉ hôm nay lên thực hành lắp mạch điện lấy điểm nhé!”. Giấc mơ 10 điểm tan tành luôn, ahuhu”.

Đừng tưởng rằng những phi vụ trót lọt vì mình quá thông minh. Thật ra dù công nghệ “tối tân” đến đâu, thầy cô luôn rất tinh trong việc quan sát sắc thái của bạn! “Công nghệ” càng phức tạp, bạn càng dễ căng thẳng, lúng túng khiến thầy cô nhanh chóng bắt bài. Rồi thầy cô cũng chủ động cập nhật thông tin, tạo ra những hội nhóm chia sẻ cách lật tẩy học trò trên Facebook. Nếu chúng ta có “độc chiêu quay cóp” thì thầy cô đã tạo group “Đọc chiêu quay cóp” để “bóc phốt” các chiêu bài.

Các “bô lão” còn hay “họp bàn tròn” mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, và đưa ra kế hoạch “gõ đầu trẻ”, trị đám “tiểu yêu” áo trắng. Vậy nên, đừng “coi thường” thầy cô của bạn, họ cũng xịn đét chứ chẳng chơi!

Theo Báo Hoa học trò